Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Vì sao các nước phát triển đề cao thể thao trong giáo dục

Khuyến khích phong trào thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là cách mà các nước phát triển đang tập trung nguồn lực từ cả chính phủ và doanh nghiệp.

Tại các nước phát triển, khi những nhu cầu cơ bản của con người đã được đảm bảo, họ quan tâm nhiều hơn tới thể thao. Bởi lẽ, thể thao mới là nền tảng của một thể lực tốt, là công cụ quan trọng để phát triển trí tuệ và uốn rèn nhân cách.

Ngày nay, có nhiều cách để con người cảm thấy khỏe mạnh như điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hay dùng các loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rèn luyện thể thao mới là cách bền vững nhất để có một thể lực tốt, giúp cơ thể khỏe mạnh toàn diện về chiều cao, cân nặng, sức bền - nhanh - mạnh, độ dẻo dai, trí thông minh và sự khéo léo.

Theo nghiên cứu của Đại học Illinois và Đại học King (Mỹ), trẻ thường xuyên hoạt động thể chất sẽ có lớp “chất trắng” dày và đặc hơn, giúp tăng khả năng tập trung, nhận thức, hiệu quả trong học tập, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh suy giảm trí nhớ.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thể chất trong giáo dục, nhiều quốc gia tiên tiến đã hướng học sinh tham gia các trò chơi thể thao từ rất sớm. Nhật Bản là một trong những quốc gia như vậy.

Bên cạnh hoạt động học tập, vui chơi, các trường mầm non ở Nhật Bản luôn chú trọng đến việc phát triển thể chất cho trẻ. Các bé chưa đến 1 tuổi đã tham gia thi đấu thể thao, dù các em chỉ mới biết bò hoặc đi chập chững. Các bé mầm non nhỏ được tham gia lớp học nhảy, lứa tuổi lớn hơn sẽ tham gia đá bóng như vận động viên thực thụ.

Ngoài ra, mỗi năm, học sinh Nhật Bản đều được tham gia ngày hội thể thao. Để tham gia ngày hội này, các bé phải tập luyện với cường độ cao và nghiêm túc với các môn như thể dục nhịp điệu, chạy, múa… Qua những hoạt động đó, các bé được rèn luyện tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sức chịu đựng, sự kiên trì, lòng tự tin và quan trọng là có sức khỏe thể chất cũng như tinh thần tốt.


Còn tại Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới, hầu hết trường học đều sử dụng Bộ Tiêu chuẩn Quốc gia (National Standards) để phát triển hoặc sửa đổi các quy chuẩn, khuôn khổ và chương trình giảng dạy hiện hành.

Trong đó, tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất là học sinh phải thể hiện được các kỹ năng vận động, kiểu chuyển động đa dạng; vận dụng lý thuyết về khái niệm, nguyên tắc, chiến lược, chiến thuật trong chuyển động và phương thức thực hiện. Bên cạnh đó, học sinh cũng phải thể hiện kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì hoạt động thể dục thể thao ở cấp độ tăng cường sức khỏe. Từ những hoạt động thể chất này, học sinh sẽ có thái độ đúng mực với cá nhân và cộng đồng, biết tôn trọng bản thân và những người xung quanh, cũng như tăng cường khả năng thể hiện bản thân và tương tác xã hội.

Trong suốt quá trình học tập từ nhỏ đến lớn, học sinh Mỹ được hướng đến sự phát triển một cách toàn diện, kết hợp giữa học và chơi. Thậm chí, để khuyến khích học sinh vận động, chính phủ còn ban hành chính sách tuyển thẳng vào đại học, miễn giảm học phí cho những em giỏi thể thao.

Kết quả của việc tập luyện thể thao đã được thể hiện rất rõ ở những quốc gia phát triển. Từ xuất phát điểm thấp bé, những người dân của xứ sở mặt trời mọc khiến mọi quốc gia phải thay đổi cái nhìn trước một thế hệ trẻ cao lớn, tài năng và đóng góp vô vàn phát minh vĩ đại cho nhân loại. Còn Mỹ luôn duy trì vị thế siêu cường trên mọi lĩnh vực và sự hào nhoáng của “giấc mơ Mỹ” đã đưa quốc gia này trở thành miền đất hứa cho hầu hết du học sinh quốc tế.

Nhìn lại Việt Nam, trên thực tế, thể dục thể thao đã được đưa vào chương trình giáo dục từ rất sớm, nhưng đến nay vẫn chưa có bộ sách hay tài liệu chính thức về môn học này cho học sinh. Đáng buồn hơn nữa, thay vì dành sự ưu tiên cho giáo dục thể chất, lâu nay, cả thầy và trò đều làm ngược lại: Chú trọng các môn văn hóa.

Thể chất của người Việt gắn liền với hai từ “thấp bé”, “nhẹ cân”. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc (theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia), hay Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới (theo kết quả đăng tải trên The Lancet)… là những hệ quả đáng buồn cho việc xem nhẹ giáo dục thể chất.
Để tăng cường nhận thức về vai trò của thể dục thể thao, không chỉ cần các chính sách từ các bộ ngành, mà còn cần sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618