Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG THỂ THAO CHO TRẺ

Mẹ thường tự hỏi không biết làm cách nào để đánh thức tiềm năng thể thao trong con trẻ cũng như cung cấp cho trẻ những kỹ năng cơ bản về một môn thể thao nhằm mang lại cho trẻ sự dẻo dai và tạo thuận lợi cho việc chơi thể thao sau này. Mẹ có thể rèn luyện con mình tham gia vào các môn thể thao một cách vui vẻ và lành mạnh, chỉ cần trẻ chạy, nhảy, ném và đuổi bắt là những cách đơn giản nhất để trẻ bước đầu làm quen với thể thao.
Vì sao phải cho bé chơi thể thao từ nhỏ?
Ngay từ rất nhỏ, trẻ thường tỏ ra hiếu động, rất hứng thú và thường nài nỉ bố mẹ để được tham gia các trò chơi vận động nhưng hầu hết cha mẹ đều từ chối vì nhiều lý do khác nhau, cơ bản nhất là vì lo con mình sẽ bị té ngã, bị đau hoặc làm bẩn quần áo. Nhưng bố mẹ lại quên rằng chính thể thao, dù là một trò chơi vận động nhỏ đi chăng nữa cũng có thể dạy cho trẻ nhiều kỹ năng sống giá trị như: làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm, khả năng phối hợp, khả năng thích nghi, lòng tự trọng, tự tin và nhiều hơn thế nữa. Mẹ không nên chờ đợi sự phát triển tự nhiên của trẻ mà hãy chủ động tập cho con mình chơi thể thao từ sớm để trẻ có thể phát triển tốt nhất về thể chất cũng như trí tuệ. 
Các kỹ năng có được thông qua các trò chơi
Trò chơi của trẻ em có nhiều dạng như: Trò chơi vận động - trò chơi trí tuệ; trò chơi cá nhân - trò chơi tập thể; trò chơi rèn luyện nhân cách - trò chơi hỗ trợ hoạt động học tập... Mỗi dạng có những tác dụng riêng thúc đẩy sự phát triển nhân cách, tư duy và thể lực. Chính vì thế, trẻ được tham gia vào nhiều loại hình vui chơi càng có khả năng phát triển đa dạng hơn. Sau đây là tác dụng của một số loại trò chơi như sau:
- Trò chơi vận động như đá bóng, nhảy dây, lò cò, kéo co...: Giúp cho trẻ phát triển thể chất, cơ thể khoẻ mạnh và luyện tập sự khéo léo trong các thao tác vận động.

- Trò chơi trí tuệ như đánh cờ, lắp ráp...: Giúp rèn luyện trí nhớ, kích thích khả năng tư duy và trí tưởng tượng, khơi dậy hứng thú tìm tòi tích cực và giúp trẻ em phát triển trí thông minh, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề.

- Trò chơi hỗ trợ hoạt động học tập, kích thích phát triển trí tuệ như các trò ghép chữ, đố vui...: Học tập bằng hình thức vui chơi thường có sức lôi cuốn cao, tạo nhiều hứng thú và nâng cao hiệu quả nhận thức, chơi giúp trẻ được giải trí, thư giãn, giúp cho việc học tập, tiếp thu tri thức của trẻ trở nên nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.
Mỗi loại trò chơi còn giúp rèn luyện nhân cách cho trẻ em qua việc hình thành và phát triển nhiều phẩm chất và kỹ năng sống cho trẻ. Thông thường, trẻ em không chỉ vui chơi một mình mà thường thích chơi cùng với bạn, với bố mẹ, với người khác. Vui chơi theo nhóm giúp cho trẻ hình thành và phát triển nhiều kỹ năng xã hội như: giao tiếp, lãnh đạo, hợp tác làm việc theo nhóm, thể hiện tinh thần đồng đội, biết chia sẻ, hợp tác, cư xử với nhau một cách thiện chí, biết giải quyết vấn đề, xung đột... và phát triển những phẩm chất tốt đẹp như: tính kiên trì, trung thực, biết nhường nhịn, biết cư xử đẹp khi thắng thua. 
Việc chơi đùa ngoài trời, chơi ở sân chơi cho trẻ, chơi các môn thể thao như bóng đá giúp phát triển thể lực và hình thành tính phóng khoáng, cởi mở, lòng nhân ái, yêu thiên nhiên, thích tìm tòi, khám phá...
Với những tác dụng tích cực của thể thao như vậy, mẹ hãy cho con chơi thể thao nhiều hơn, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi thể thao đa dạng hơn để trẻ phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ, tinh thần một cách toàn diện. Mẹ hãy tham khảo thêm các kiến thức thể thao để giúp trẻ vận động khoa học; đồng thời cũng chú ý cân bằng năng lượng cho trẻ thỏa thích vận động và vui chơi mà không bị đuối sức hay mệt mỏi mẹ nhé. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618